Leningrad trở thành thành phố - mặt trận Trận_Leningrad

Chiến sự vùng Pribaltic và khu vực Leningrad cuối năm 1941

Tuyến mặt trận Xô-Đức tại vùng Pribaltic và khu vực Tây Bắc Liên Xô từ ngày 9 tháng 7 qua ngày 1 tháng 9 đến ngày 6 tháng 12

Đến ngày thứ ba của cuộc Chiến tranh Xô-Đức, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) do Thống chế Wilhelm von Leeb chỉ huy đã đẩy lùi các tập đoàn quân 8, 11 và quân đoàn cơ giới 3 của Phương diện quân Pribaltic vào sâu nội địa Liên Xô có nơi từ 80 đến 100 km. Ngày 24 tháng 6, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô điều động quân đoàn cơ giới 21 do tướng D. D. Leliushenko chỉ huy từ Quân khu Moskva kéo ra phản kích vào tập đoàn quân xe tăng 4 đang tiến công vào hai bên sườn tập đoàn quân 27 do tướng N. E. Berdarin chỉ huy tại khu vực Daugavpils. Tuy nhiên, tướng Erich Höpner đã đi trước một bước. Quân đoàn cơ giới 56 do tướng Erich von Manstein chỉ huy thuộc tập đoàn quân này đã chiếm các bến vượt quan trọng trên sông Tây Dvina và đánh chiếm Daugavpils. Quân đoàn cơ giới 21 chỉ chặn được tập đoàn quân xe tăng Đức đến ngày 2 tháng 7. Ngày 11 tháng 7, tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Erich Höpner chỉ huy tiếp tục đẩy lùi các cuộc phản kích quân đội Liên Xô và tiến đến vùng Đông Nam Leningrad. Tại cánh Nam của mặt trận, tập đoàn quân 16 (Đức) đã đánh chiếm thành phố Pskov. Tại cánh Bắc mặt trận, tập đoàn quân 18 (Đức) đã bao vây số quân còn lại của tập đoàn quân 8 (Liên Xô) và Bộ tư lệnh tiền phương Phương diện quân Tây Bắc tại Tallinn. Đến ngày 11 tháng 7, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) đã chiếm được Litva, Latvia, Estonia (trừ khu vực xung quanh Tallinn), một phần lãnh thổ Nga. Leningrad bắt đầu bị uy hiếp với nguy cơ quân Đức vượt sông Luga trên địa đoạn phòng ngự mỏng nhất của quân đội Liên Xô.[15] Cũng như ở Kiev, ngay trong những ngày mùa hè năm 1941, người dân Leningrad cũng tự coi như mình đã được động viên.[16]

Ngày 27 tháng 6 năm 1941, Cùng với việc động viên 96.000 tân binh, Hội đồng thành phố Leningrad quyết định huy động hơn nửa triệu người cho việc thiết lập các công sự phòng thủ quanh thành phố. Một trong các công sự kéo dài từ cửa sông Luga đến Chudovo, Gatchina, Urisk, Pulkovo và cuối cùng là sông Neva. Các công sự khác kéo dài từ Petergof đến Gatchina, Pulkovo, KolpinoKoltushy. Trên thực tế, một hệ thống công sự phòng thủ khác chống lại quân Phần Lan đã được xây dựng trong suốt thập niên 1930 nhưng chủ yếu là ở phía Bắc. Hệ thống phòng thủ mới kéo dài từ phần ngoại ô phía bắc của thành phố, và đến thời điểm này được trưng dụng và xây mới thêm. Công sự phòng thủ sau khi hoàn thành bao gồm 190 km bằng gỗ, 630 km hàng rào thép, 700 km hào chống tăng, 5000 công sự bằng gỗ và bê tông, hơn 25.000 km hào đã được công nhân thành phố xây dựng. Các loại súng trang bị cho chiến hạm Rạng Đông (Aurora) được dời lên cụm điểm cao Pulkovskiye ở phía Nam của Leningrad.[17]

Quân đội Liên Xô cơ động pháo binh bảo vệ Leningrad ngày 1 tháng 11 năm 1941. (Ảnh của RIA NOVOSSTI)

Đầu tháng 7 năm 1941, quân Đức đã khóa chặt con đường đến thành phố OstrovPskov. Ngày 11 tháng 7, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) tiếp tục tấn công. Cánh phải của tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Erich Höpner phối hợp với cánh trái của tập đoàn quân 16 tấn công và đánh chiếm thành phố Pskov. Mặc dù không quân Liên Xô đã ném bom vào các bến vượt tại sông Tây Dvina nhưng quân đội Đức Quốc xã vẫn chiếm được một số đầu cầu quan trọng. Ngày 12 tháng 7, quân Đức tiếp tục tiến đến KundaKingisepp. Tuy nhiên, những nỗ lực của quân Đức tấn công Leningrad bằng đường biển đều bị Hạm đội Baltic của Liên Xô chặn đứng trước tuyến thủy lôi chặn ngang vịnh Phần Lan từ phía Đông Helsinki đến khu Oranielburg. Ngày 20 tháng 7, Cụm tập đoàn quân Bắc lại một lần nữa phải tạm dừng cuộc tấn công để đối phó với cuộc phản công của tập đoàn quân 42 (Liên Xô) vào Narva. Đến cuối tháng 8 năm 1941, tập đoàn quân 16 cắt đứt con đường sắt Moskva - Leningrad tại tuyến Tosno, Lyuban, Chudovo và tiến đến phía Nam hồ Ilmen, đe doạ cô lập Leningrad từ phía Tây Nam và dự kiến hội quân với quân đội Phần Lan tại bờ Đông hồ Ladoga. Tuyến đường sắt cuối cùng đến Leningrad chấm dứt hoạt động đến ngày 30 tháng 8. Ngày 23 tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô quyết định chia Phương diện quân Bắc thành Phương diện quân Leningrad và Phương diện quân Karelia.[18]

Đến ngày 8 tháng 9, con đường cuối cùng liên lạc với thành phố bị cắt đứt khi quân Đức tiến tới hồ Lagoda ở Orekhovets (???) và Shlisselburg. Các trận pháo kích bắt đầu từ ngày 8 tháng 9 với sự tham gia của 178 khẩu pháo. Ngày 7 tháng 9, do phải điều tập đoàn quân xe tăng 4 về hướng Moskva, theo chỉ thị của Hitler, quân Đức đã chuyển từ tấn công sang bao vây cô lập thành phố và không chấp nhận bất cứ một sự đầu hàng nào. Ý đồ của quân đội Đức là: "Sau khi tính đến những nhu cầu của con người tại mặt trận Leningrad, nơi đối phương tập trung một khối lượng lớn người và phương tiện vật chất thì tình hình ở đây căng thẳng cho tới lúc mà người đồng minh của chúng ta là nạn đói sẽ đến". Bên cạnh việc cô lập thành phố, Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) còn vạch một kế hoạch phá hủy thành phố một cách có hệ thống bằng không quân oanh tạc và pháo tầm xa cỡ lớn.[19]

Phòng thủ mới và cuộc phong tỏa

Kế hoạch phòng thủ mới

Một khẩu đội pháo phòng không trên đường phố Leningrad

Ngay sau khi đến Leningrad ngày 9 tháng 9 nhận chức vụ tư lệnh Phương diện quân thay cho nguyên soái K. E. Voroshilov được điều động đi xây dựng các đơn vị dự bị chiến lược, đại tướng G. K. Zhukov đã yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp phòng thủ mới:

  • Rút ra một bộ phận pháo phòng không làm pháo bắn thẳng để tăng cường vũ khí cho các tuyến chống tăng;
  • Tập trung hỏa lực của tất cả các pháo hạm để yểm hộ cho tập đoàn quân 42 đang phòng ngự trên dãy cao điểm Urisk (Staro panovo) - Punkovsky (Pulkovo), hướng hiểm yếu nhất trên tuyến phòng thủ phía Tây Nam thành phố;
  • Xây dựng hệ thống phòng ngự có chiều sâu gồm súng chống tăng, cao xạ, mìn chống tăng, các chướng ngại vật và hào chống tăng.
  • Do quân Phần Lan chưa có hành động tấn công, điều chuyển một phần lực lượng của tập đoàn quân 23 tăng cường cho tập đoàn quân 42;
  • Thành lập từ 5 đến 6 lữ đoàn bộ binh độc lập lấy từ lính hải quân của Hạm đội Baltic và học viên các trường quân sự. Động viên 9 sư đoàn dân quân với quân số khoảng 96.000 người.[17][20]

Ngày 10 tháng 9, tập đoàn quân 18 (Đức) được sự yểm hộ của máy bay ném bom và pháo binh hạng nặng tiếp tục công kích khu phòng ngự Urisk - Punkovsky. Việc Bộ Tư lệnh Phương diện quân điều động tập đoàn quân 23 tăng cường cho tập đoàn quân 42 đã kịp thời đẩy lùi các đợt công kích của quân Đức. Ngày 17 tháng 9, trước nguy cơ thành phố bị đánh chiếm, Bộ tư lệnh Phương diện quân Leningrad đã phải tung sư đoàn bộ binh 10 là lực lượng dự bị cuối cùng mà họ có trong tay vào cuộc phản kích. Hầu hết pháo cao xạ được rút ra khỏi nội thành và được điều đến các tuyến phòng thủ để chống lại bộ binh và xe tăng Đức. Tại địa đoạn Punkovsky, hơn 500 khẩu pháo các cỡ đã được đưa vào trận và chủ yếu sử dụng phương pháp bắn thẳng vào đội hình tấn công của quân Đức. Ngày 18 tháng 9, tập đoàn quân 54 (Liên Xô) tổ chức phản kích tại khu vực Kolpino - Puskin, buộc quân Đức phải ngừng cuộc tấn công vào khu phòng thủ Urisk - Punkovsky.[21] Ngày 6 tháng 10 năm 1941, Thống chế Wilhelm von Leeb chuyển quân đoàn xe tăng 56 và chủ lực của Cụm tập đoàn quân Bắc về hướng Tikhvin và tiến công vào khu vực "cổ chai" Shlisselburg, phía Nam hồ Ladoga. Tập đoàn quân 54 bị tách khỏi chủ lực Phương diện quân. Mặc dù Tập đoàn quân 4 (tái lập) đã mở ngay các cuộc công kích vào sườn cánh quân chủ lực của tập đoàn quân 16 (Đức) để thủ tiêu nguy cơ bao vây Leningrad nhưng do không đủ binh lực và phương tiện nên đến ngày 18 tháng 10, tập đoàn quân 16 (Đức) đã chiếm Tikhvin, tiến đến cửa ngõ thành phố Volkhov, cắt đứt tuyến đường sắt chính từ Volkhov đi Leningrad. Chỉ có hành động kiên quyết của các tập đoàn quân 4 và độc lập 7 (Liên Xô) dưới sự chỉ huy của đại tướng Kiril Mereskov mới chặn đứng được tập đoàn quân 16 (Đức) trên tuyến Mga, Volkhov, Tikhvin, Novgorod.[22]

Leningrad trong vòng phong toả

Trong khi đó thì tập đoàn quân 54 dưới quyền chỉ huy của nguyên soái G. I. Kulik (do bị tách rời nên chuyển thuộc Phương diện quân Volkhov) đã hoàn toàn thụ động ngồi chờ quân Đức mặc dù họ có thể tấn công vào sườn phải quân đoàn cơ giới 41 (Đức). Động thái này của chỉ huy tập đoàn quân 54 đã dẫn đến hậu quả tai hại cho Phương diện quân Leningrad. Không bị đe dọa từ bên sườn, quân đoàn cơ giới 41 (Đức) tấn công thẳng vào Shlisselburg và siết chặt "chiếc thòng lọng" bao vây Leningrad. Ngày 19 tháng 9, không quân Đức Quốc xã mở một cuộc không kích lớn trong suốt 18 giờ liền vào Leningrad. Có đến 275 máy bay Đức tiến hành 6 đợt ném bom rải thảm liên tục từ 1 giờ 05 phút sáng đến 19 giờ tối, mở đầu cho chiến dịch bao vây, phá hoại và bóp chết Leningrad trong nạn đói và rét.[23]

"Tồn tại hay không tồn tại"


Bảo vệ các công trình của thành phố

Ngày 8 tháng 9 năm 1941, bằng đòn tấn công chia cắt đoạn tiếp giáp giữa tập đoàn quân xung kích 4 và tập đoàn quân 54 của Liên Xô tại phía Nam hồ Ladoga, tập đoàn quân 16 (Đức) đánh chiếm đầu mối đường sắt Mga và khu vực "cổ chai" Shlisselburg. Ở phía Bắc, quân đội Phần Lan vẫn giữ phòng tuyến từ Lembolovo, vòng qua phía Bắc hồ Ladoga đến sông Svir ở phía Đông. Cụm chiến dịch ven biển của quân đội Liên Xô tại "mỏm Oranielbaum" cũng phải lùi về tuyến Petergof, Ust (???), Rudina (???). Leningrad hoàn toàn bị cắt đứt liên lạc trên bộ với đất nước Liên Xô. Tuyến đường thủy qua hồ Ladoga thường xuyên bị máy bay và pháo binh Đức quốc xã uy hiếp.[24] Ngày 2 tháng 9 năm 1941, Adolf Hitler ra chỉ thị cho Bộ tư lệnh hải quân Đức: "Cần phải tiến đến gần thành phố này và phá hủy nó bằng một dàn pháo binh của tất cả các cỡ đại bác và máy bay ném bom tầm xa". Do bị hạm đội Baltic ngăn chặn bằng tuyến thuỷ lôi trên vịnh Phần Lan, Hải quân Đức phải dùng đường sắt vận chuyển các loại pháo hạm, trong đó, nhiều khẩu có cỡ nòng từ 180 mm đến 420 mm đến vùng phụ cận Tây Nam và Nam Leningrad để bắn phá thành phố. Từ các trận địa pháo hạng nặng đặt tại Krasnoye Selo, Krasno Vardeisk, Sluck (???), quân đội Đức Quốc xã tiếp tục gia tăng các cuộc pháo kích vào Leningrad. Máy bay ném bom của Đức hầu như làm chủ không phận Leningrad. Trong thời gian vây hãm Leningrad, quân đội Đức Quốc xã đã sử dụng khoảng 150.000 quả đạn pháo, hơn 100.000 quả bom cháy, khoảng 4.600 quả bom mảnh để hủy hoại thành phố. Nhiều công trình quan trọng trong thành phố sập đổ. Người dân Leningrad đã dựng những locot (Блокада) để bảo vệ các công trình kiến trúc và nghệ thuật quan trọng của thành phố.[25][26]

Vấn đề lương thực thực phẩm

Tem phiếu cấp phát thực phẩm của thành phố Leningrad trong những ngày bị phong toả

Đến ngày 2 tháng 9, khẩu phần ăn của người dân Leningrad bắt đầu bị cắt giảm: một công nhân được cung cấp 600 g bánh mì một ngày, lao động bình thường được 400 g, trẻ em và các thành phần khác được 300 g một ngày. Một lượng lớn ngũ cốc, bột và đường bị phá hủy vào ngày 8 tháng 9. Một vài sau khi cuộc bao vây bắt đầu, người ta vẫn có thể ăn trong một vài nhà hàng nên chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, các nhà hàng này đã tiêu thụ hết 12% mỡ và 10% thịt dự trữ của thành phố. Đầu mùa đông năm 1941, những khó khăn lớn về lương thực thực phẩm đã xuất hiện. Do mặt hồ Ladoga bắt đầu đóng băng, các trận bão tuyết hoành hành khiến cho tuyến tiếp tế đường thủy phải ngừng hoạt động. Nạn đói bắt đầu đe doạ. Từ ngày 20 tháng 11, khẩu phần thực phẩm của quân đội và dân thường đã phải rút xuống vài lần: Mỗi công nhân chỉ được 250 g bánh mỳ/ngày; người sống nương nhờ và trẻ em được 125 g bánh mỳ/ngày; những người lính trên tuyến 1 và trên các tàu chiến được nhận mỗi ngày 300 g bánh mỳ và 100 g bánh bicote. Tại nhiều điểm phân phát lương thực trong thành phố, người ta đã phải dùng đến cân tiểu ly để cân chính xác từ gam cho một khẩu phần bánh mỳ mà giờ đây đã trở nên quý hơn vàng.[27][28]

Khẩu phần bánh mỳ trộn mùn cưa của quân nhân và thường dân Leningrad trong những ngày bị quân đội Đức Quốc xã bao vây (hiện vật tại Bảo tàng Sankt-Peterburg)

Một đội tàu nhỏ của hồ Lagoda được trang bị thô sơ và dễ dàng bị máy bay Đức ném bom phá hủy, mấy chiếc xà lan chở ngũ cốc bị chìm vào tháng 9. Một số được trục vớt lên bằng các đội thợ lặn và ngũ cốc bị ẩm này được sử dụng để làm bánh mì nướng. Khi tất cả các nguồn dự trữ bột mì đã hết một số nguồn khác như cellulose và bán khô dầu cho súc vật được tận dụng. Yến mạch cho ngựa cũng được trưng dụng làm thực phẩm, còn ngựa thì được nuôi bằng lá cây. Khi 2000 tấn lòng cừu được tìm thấy ở bến cảng, một món giò đã được làm từ số lòng cừu này. Sau đó, thịt cũng được thay thế bằng giò và da bê thối. Trong suốt cuộc bao vây, có tổng cộng năm đợt giảm khẩu phần: ngày 2 tháng 9, 10 tháng 9, 1 tháng 10, 13 tháng 11 và lần cuối cùng vào ngày 20 tháng 11 năm 1941. Mức độ thiếu ăn được khắc phục phần nào nhờ những vườn cây tự trồng trong các vùng đất của thành phố vào năm 1943.[29]

Vấn đề năng lượng

Cuối tháng 9, nguồn cung cấp dầu và than đá bắt đầu cạn kiệt. Nguồn năng lượng duy nhất vào lúc này là các loại củi. Ngày 8 tháng 10, Ban chỉ huy quân quản và hội đồng thành phố Leningrad (Ленгорисполком) quyết định chặt toàn bộ cây tại các quận PargolovoVsevolzhskiy ở phía Bắc thành phố. Đến ngày 24 tháng 10, hầu như tất cả các loại cây đã bị đốn bỏ để lấy củi. Đến đầu tháng 11, Leningrad đã sử dụng hết những dự trữ nhiên liệu cuối cùng. Do sự thiếu thốn năng lượng, nhiều nhà máy phải đóng cửa vào tháng 11 và tất cả các dịch vụ vận chuyển công cộng đều không thực hiện được. Hệ thống cấp nước của thành phố bị bom và đạn pháo phá hủy. Nguồn nước sử dụng chủ yếu lấy từ sông Neva dưới làn đạn đại liên của quân Đức ở bên kia bờ sông quét sang. Vào mùa hè năm 1942, một số đường ray trong nội bộ thành phố được khôi phục, nhưng các loại xe điện, xe buýt chạy trên đường ray và xe goòng đẩy tay vẫn không thể tới thành phố cho đến khi vòng phong tỏa bị phá vỡ. Việc sử dụng năng lượng bị hạn chế ở nhiều nơi, ngoại trừ căn cứ trung tâm chỉ huy đặt tại điện Smolny, hội đồng thành phố, các căn cứ phòng thủ và một số trung tâm khác.[30][31]

Tanya Savicheva và những trang nhật ký mùa đông năm 1941-1942

Việc thiếu chất đốt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thường dân còn mắc kẹt tại thành phố không kém gì sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Họ đã phải chịu đựng hai mùa đông khắc nghiệt nhất của vùng Vòng Bắc cực lạnh giá từ năm 1941 đến năm 1943. Nhiều người đã chết trong hoàn cảnh vừa đói, vừa rét. Tại Nhà lưu niệm của nghĩa trang Piskarevskoye, nơi chôn cất hơn 600.000 người dân Leningrad chết vì đói và rét trong gần 900 ngày bị phong tỏa còn lưu trữ những trang nhật ký của Tanya Shavicheva, một thiếu nhi 11 tuổi với những dòng chữ to ghi lại thời điểm những người thân của em qua đời:

"Zhenia chết lúc 12 giờ 30 phút chiều ngày 28 tháng 12 năm 1941Granny chết lúc 3 giờ chiều ngày 25 tháng 1 năm 1942Lyoka chết lúc 5 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1942Bác Vasia chết lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng 4 năm 1942Bác Liosa chết lúc 5 giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1942Mẹ chết lúc 7 giờ 30 phút ngày 13 tháng 5 năm 1942Shavichev đã chết.Tất cả mọi người đã chếtBỏ lại mình cô đơn"

Cuối cùng, chính Tanya Shavicheva cũng không tránh khỏi cái chết. Mặc dù được đưa đến nơi sơ tán nhưng em đã chết năm 1943 vì kiệt sức.[32]

Hậu phương tại chỗ của mặt trận

Nữ công nhân Liên Xô tại xưởng đúc thép duy sản xuất trong thời gian thành phố Leningrad bị vây hãm. tháng 1 năm 1942

Cuộc tấn công và phong tỏa kéo dài của quân đội Đức Quốc xã đã không thể bóp chết được Leningrad. Trong những ngày chiến đấu để bảo vệ Leningrad, hơn nửa triệu thường dân đã tham gia xây dựng hàng trăm km chiến hào, hàng trăm km hào chống tăng, hàng rào dây thép gai, vật cản chống tăng, hàng nghìn hỏa điểm kiên cố bằng bê tông và ụ súng bằng gỗ đắp đất. Các nhà máy được lệnh sản xuất hàng nghìn chướng ngại vật bằng thép và bê tông cốt thép, có trọng lượng từ 0,5 đế 3 tấn dùng để ngăn cản xe tăng. Nhiều ngôi nhà bằng đá được kết cấu lại thành những pháo đài nhỏ. Mặc dù bị thu hẹp sản xuất do phải sơ tán về hậu phương và thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên liệu, nhiên liệu nhưng các nhà máy tại Leningrad vẫn cố gắng duy trì hoạt động, vẫn sản xuất được xe tăng, đại bác, súng cối, súng máy, tiểu liên, súng trường, các loại đạn dược. Việc sửa chữa lại vũ khí, phương tiện quân sự bị hư hỏng cũng được tiến hành song song với sản xuất. Các nhà máy quân sự ở Leningrad là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất loại pháo phản lực Katyusha BM-13.[33]

Kể từ khi bị cắt đứt giao thông trên bộ với bên ngoài, Phương diện quân Leningrad chỉ còn có thể nhận được súng bộ binh, đạn và pháo hạng nhẹ từ nội địa Liên Xô. Việc bù đắp hiệt hại về vũ khí nặng, nhất là xe tăng phải trông cậy vào các nhà máy tại thành phố, trong đó có nhà máy Kirov chuyên sản xuất xe tăng hạng nặng KV. Các nhà máy cơ khí khác cũng được huy động vào việc bảo đảm vũ khí, đạn dược và các loại quân trang, quân dụng cho mặt trận. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1941, các nhà máy này đã sản xuất được 713 xe tăng, 480 xe bọc thép, 58 tàu hỏa bọc thép, hơn 3.000 súng chống tăng, gần 10.000 pháo, súng cối các cỡ và hơn 3 triệu viên đạn pháo. Số vũ khí khí tài này đã góp phần bù đắp những thiệt hại về vật chất cho Phương diện quân trong tình trạng bị bao vây.[34]

"Con đường sống"

Đoàn tàu vận tải 310 chở lương thực qua hồ Ladoga tiếp tế cho Leningrad ngày 1 tháng 9 năm 1942. (Ảnh của RIA NOVOSSTI)
Bài chi tiết: Con đường sống

Trong những ngày bị phong toả, hồ Ladoga trở thành "con đường sống" (Дорога жизни) của thành phố Leningrad. Đầu năm 1942, khi mặt băng trên hồ Ladoga đã rắn chắc, Liên Xô đã tổ chức vận chuyển cho mặt trận Leningrad súng đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Tuy với số lượng hạn chế do các đoàn xe ô tô có trọng tải không lớn chạy theo các tuyến đường đã được xe dọn tuyết mở ra trên mặt băng nhưng đã giảm bớt nhiều khó khăn cho thành phố. Mặc dù hoạt động dưới những trận không kích thường xuyên của không quân Đức Quốc xã, đoàn xe vẫn đến được Leningrad và khi quay về, họ chở theo thương binh, những người ốm, phụ nữ, người già và trẻ em.[27] Từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 3 năm 1943, đã có 1,7 triệu/3,1 triệu người dân Leningrad đã được sơ tán về phía đông, trong đó có 414.000 trẻ em. Tuy nhiên, đã có 632.253 người chết vì đói và rét, trong đó ngay mùa đông năm đầu tiên bị phong tỏa (1941-1942) đã có hơn 263.000 người chết.[32]

Trong mùa hè năm 1942, mặc dù phải bận đối phó với cuộc tổng tấn công dữ dội của quân đội Đức Quốc xã tại cánh Nam mặt trận Xô-Đức; Nhà nước và Bổ tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô vẫn không từ bỏ ý định bảo vệ bằng được thành phố Leningrad. Đầu tháng 6 năm 1942, thành phố đã nhận được những tấn dầu hỏa đầu tiên qua một đường ống dài 25 km đặt ngầm dưới đáy hồ Ladoga. Cuối tháng 7 năm 1942, nguồn điện của nhà máy thủy điện Volkhov vừa được khôi phục đã đến được với Leningrad qua một đường cáp điện cũng được đặt ngầm dưới hồ. Hai nguồn năng lượng quan trọng được tiếp tế đã giúp khôi phục hoạt động của một số nhà mày, xí nghiệp, trong đó có các nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự. Các tuyến đường thủy đã được khôi phục ngay khi mặt hồ Ladoga tan băng và vận chuyển đến thành phố những nhu yếu phẩm cần thiết; trong đó, ưu tiên số một vẫn là lương thực, thực phẩm và than đá.[35]

"Con đường chiến thắng"

Chuyến xe lửa đầu tiên của Liên Xô chở bột mỳ qua con đường sắt dã chiến đến với Leningrad, tháng 2 năm 1943

Sau khi hợp vây tập đoàn quân đoàn quân 6 và một phần tập đoàn quân xe tăng 4 tại Stalingrad và chắc chắn sẽ đánh tan đạo quân Đức này, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô vạch kế hoạch chiến dịch "Tia lửa" ("Искра") nhằm chọc thủng vòng phong tỏa của quân đội Đức để tiếp tế cho Leningrad. Đêm 11 rạng ngày 12 tháng 1 năm 1943, Quân đội Liên Xô thuộc hai phương diện quân Volkhov và Leningrad đã đẩy lùi quân Đức ra khỏi khu vực "cổ chai" Shlisselburg, chiếm được một đoạn hành lang rộng từ 15 đến 30 km phía Nam hồ Ladoga. Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1943, sau khi hai cánh quân tiên phong của hai phương diện quân gặp nhau, Đài phát thanh Liên Xô loan tin: "vòng phong tỏa Leningrad đã bị phá vỡ".[36] Ngay sau khi chiếm được khu vực Shlisselburg, Hội đồng quốc phòng Nhà nước Liên Xô đã quyết định xây dựng cấp bách một tuyến đường sắt dài 36 km từ ga Zhikharevo đến Shlisselburg. Mặc dù trong khu vực mới chiếm lại được vẫn còn đầy mìn, bom và đạn pháo chưa nổ; mặc dù dưới thời tiết giá buốt dưới 0 độ với những trận tuyết rơi liên tiếp, chỉ sau 15 ngày, tuyến đường sắt này đã đi vào hoạt động. Cùng với con đường sắt dã chiến, người dân Leningrad còn xây dựng một chiếc cầu tạm qua sông Neva. Ngày 11 tháng 2 năm 1943, những chuyến tàu chở bột mỳ, than đá, dầu, quặng kim loại, vũ khí đầu tiên đã đến được Leningrad. Người dân Leningrad gọi đây là "con đường chiến thắng" (Дорога победы). Cùng với "con đường sống", "con đường chiến thắng" cũng đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của thành phố. Nó góp phần đẩy lùi những ngày sống trong đói rét của người dân Liên Xô tại thành phố này mặc dù bom đạn vẫn chưa ngưng nổ trên các đường phố. "Con đường chiến thắng" đánh dấu bước tiếp theo sự phá sản đối với các kế hoạch của quân đội Đức Quốc xã định bóp chết thành phố trong lửa đạn, giá rét và nạn đói.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leningrad http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942NW... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/335949/S... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html